05 điểm mới của Luật Đầu tư công 2019

4 Tháng Hai 2020

Ngày 01/01/2020, Luật Đầu tư công 2019 chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công theo hướng thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan khác. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động đầu tư công và nguồn vốn đầu tư công cũng như tiếp tục khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

So với Luật Đầu tư công 2014, Luật Đầu tư công 2019 ra đời sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện hành liên quan đến các quy định pháp luật về đầu tư công. Cụ thể, Luật Đầu tư công 2019 có 05 điểm mới nổi bật như sau:

Thứ nhất, thống nhất được định nghĩa về nguồn vốn đầu tư công. Theo đó, Luật quy định 2 loại vốn đầu tư công, bao gồm vốn ngân sách nhà nước và vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.

Đây điểm mới cơ bản và quan trọng nhất so với Luật Đầu tư công trước đây, dẫn tới thay đổi các quy trình, trình tự, thủ tục về lập, thẩm định, phê duyệt dự án và kế hoạch đầu tư công, giúp đơn giản hóa quy trình, không còn phân biệt giữa các loại nguồn vốn của ngân sách Nhà nước.

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp trong việc xem xét quyết định các phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, đáng chú ý nhất là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này trở thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thẩm định (trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ) trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công cũng đã xác định rõ một số nhiệm vụ và loại dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư nhằm gỡ bỏ thủ tục mang tính hình thức, trùng lặp, tiết kiệm thời gian, chi phí cho công tác chuẩn bị dự án.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trong đó cả các dự án nhóm A. Theo đó, vừa bảo đảm thẩm quyền của các cơ quan Quốc hội, Hội đồng nhân dân, vừa tăng tính chủ động, phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương, xử lý được những tình huống phức tạp như dự án sử dụng nhiều nguồn vốn thuộc các cấp ngân sách khác nhau.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ phương thức kế hoạch hóa, nhằm đáp ứng tốt hơn đối với thực tiễn vận hành của nền kinh tế, khắc phục được vướng mắc lớn nhất về đầu tư công trước đây là vấn đề “có vốn trước hay có dự án trước”.

Luật Đầu tư công đã đưa ra phương án là phải có dự kiến kế hoạch nguồn vốn và khả năng cân đối vốn trước (tạm gọi là số kiểm tra) để từ đó có căn cứ pháp lý về nguồn vốn để các bộ, cơ quan, địa phương triển khai các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đồng thời, đơn giản hóa mạnh mẽ quy trình giao kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, theo đó, phân cấp thẩm quyền quyết định cho người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc điều chỉnh kế hoạch giữa các dự án trong danh mục kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong kế hoạch hằng năm.

Thứ năm, tăng cường hơn tính cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công. Thể hiện qua việc tăng cường theo dõi, giám sát, thanh tra, kiểm tra các hoạt động đầu tư công, sử dụng nguồn vốn đầu tư công thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư công, gắn với quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và tiến tới Chính phủ số, góp phần tích cực vào việc chống thất thoát, lãng phí.

OTHER NEWS