Hướng dẫn pháp lệnh quản lý thị trường

21 Tháng Mười Một 2019

Quản lí thị trường là hoạt đông đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh thương mại. Lực lượng quản lý thị trường là cơ quan thực hiện chính với chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,…

Do đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2016/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý thị trường để quy định cụ thể hơn về ngạch công chức Quản lý thị trường cũng như quy định chi tiêt về phương tiện làm việc, trang phục của lực lượng Quản lý thị trường; thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra.

Hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, một số quy định của Nghị định 148/2016/NĐ-CP đã không còn phù hợp. Nghị định 78/2019/NĐ-CP ra đời đã sửa đổi một số bất cập trên. Cụ thể:

Về thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra

Theo Nghị định 78/2019/NĐ-CP, người có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra gồm:

– Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường;

– Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường;

– Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường gồm: Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

– Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cấp huyện trực thuộc Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh gồm: Đội trưởng Đội Quản lý thị trường huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chuyên ngành; Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cơ động.

Như vậy, Nghị định 78/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể và chi tiết về người, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra, thay vì chỉ quy định chung chung là “Thủ trưởng cơ quan Quản lý thị trường” các cấp. Việc quy định một cách rõ ràng như vậy sẽ hạn chế tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan.

Về phương tiện làm việc của lực lượng Quản lý thị trường

Về cơ bản, so với Nghị định 148/2016/NĐ-CP, Nghị định mới thay đổi cụm từ “quản lý, sử dụng tài sản nhà nước” thành “quản lý, sử dụng tài sản công”. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.

Bên cạnh đó, Nghị định này còn Bãi bỏ Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường và Nghị định số 27/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 10/CP ngày 23 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của Quản lý thị trường.

Nghị định 78/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 10/12/2019.

OTHER NEWS