Quy định mới về lựa chọn nhà đầu tư trong đấu thầu

25 Tháng Ba 2020


Ngày 28/02/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (“Nghị định 25”). Cụ thể như sau:

1. Đối tượng và dự án đầu tư theo Nghị định:

Theo đó, Nghị định này áp dụng đối với những cá nhân, tổ chức tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư sau:

– Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP;
– Dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại; công trình thương mại, dịch vụ; công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh;
– Dự án không thuốc 02 trường hợp nêu trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.

Bên cạnh đó, các cá nhân, tổ chức không phải là đối tượng tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động lựa chọn nhà đầu tư các dự án nêu trên được phép lựa chọn áp dụng các quy định tại Nghị định này nhưng phải xác định rõ các điều, khoản sẽ thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định này và pháp luật khác nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

2. Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất

Nghị định đã chỉ rõ việc đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất thông qua việc đưa ra tiêu chí là điều kiện để xác định dự án đầu tư có sử dụng đất:

– Dự án phải thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được phê duyệt theo quy định của pháp luật đất đai, hoặc thuộc khu đất do Nhà nước quản lý, sử dụng; chương trình phát triển đô thị theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị;
– Dự án phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/5000 theo quy định của pháp luật;
– Dự án không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật vê đất đai.

Khi đáp ứng đủ ba điều kiện trên, dự án sẽ được xác định thực hiện đấu thầu đối với dự án đầu tư có sử dụng đất.
Dự án này được áp dụng 3 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là đấu thầu rộng rãi quốc tế, đấu thầu rộng rãi trong nước và chỉ định thầu.

Việc triển khai thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất được tiến hành như sau:

– Sau khi ký kết hợp đồng, bên mời thầy, nhà đầu tư cùng phối hợp với cơ quan chuyên ngành trình cấp có thẩm quyền quyết định việc thu hồ đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
– Nhà đầu tư nộp giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giá trị nộp ngân sách nhà nước bằng tiền được đề xuất trong hồ sơ dự thầu cho cơ quan quản lý nhà nước.
– Sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất dự án, cơ quan có thẩm quyền thực hiện giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại khoản 3 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
– Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh tổ chức xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, báo cáo Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp tại thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ngoài ra, Nghị định cũng đã đặt ra một số quy định mới trong việc hoàn thiện quy định pháp luật về đấu thầu thông qua:
– Bổ sung thêm các quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đầu tư: Nhà đầu tư sẽ được đánh giá là độc lập về pháp lý và tài chính đối với các bên có liên quan như nhà thầy tư vấn, bên mời thầu, cơ quan nhà nước nếu đáp ứng đầy đủ 3 tiêu chí:

(i) Nhà đầu tư dự thầu không có cổ phần hoặc góp vốn với các nhà thầu tư vấn thẩm tra, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ thiết kế, dự toán; nhà thầu tư vấn lập, thẩm định hồ sơ mời tuyển, mời thầu, đánh giá hồ sơ, thẩm định kết quả,…
(ii) Nhà đầu tư dự thầu và nhà thầu tư vấn nêu trên không cùng có tỷ lệ sở hữu ít nhất 30% cổ phần, vốn góp của một tổ chức khác đối với từng bên.
(iii) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bên mời thầu không có tỷ lệ sở hữu vốn trên 49% cổ phần, vốn góp của nhà đầu tư.

– Lựa chọn nhà đầu tư trong một số trường hợp đặc biệt, bao gồm việc đưa ra quy định về trình tự thẩm định, phệ duyệt phương án lựa chọn nhà đầu tư; hồ sơ đề xuất áp dụng lựa chọn nhà đầu tư.
– Đồng bộ hóa quy trình thực hiện dự án PPP thông qua việc bổ sung quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP ứng dụng công nghệ cao được thực hiện giống với việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP theo hình thức đấu thầu rộng rãi, tuy nhiên không cần thực hiện bước đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng.
– Bổ sung việc đấu thầu đối với các dự án tư nhân trong lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa hoặc theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

OTHER NEWS