Quy định pháp luật về xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động

21 Tháng Tư 2020


Để bảo vệ quyền lợi người lao động, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động được Chính Phủ ban hành ngày 01/3/2020 (“Nghị định 28”), có hiệu lực từ ngày 15/4/2020 đã mạnh tay trong việc xử phạt vi phạm hành chính với những sai phạm trong lĩnh vực lao động.

Theo đó, Nghị định 28 đã quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Dưới đây là một số điểm mới tiêu biểu của Nghị định này:

Thứ nhất, mức phạt về tiền lương:

Quy định xử phạt đối với người sử dụng lao động trả lương không đúng hạn cho người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền:

– Từ 05 – 10 triệu đồng nếu vi phạm từ 01 – 10 người lao động;
– Từ 10 – 20 triệu đồng nếu vi phạm từ 11 – 50 người lao động;
– Từ 20 – 30 triệu đồng nếu vi phạm từ 51 – 100 người lao động;
– Từ 30 – 40 triệu đồng nếu vi phạm từ 101 – 300 người lao động;
– Từ 40 – 50 triệu đồng nếu vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Mức phạt này được áp dụng với người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức phạt gấp 02 lần. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.

Thứ hai, về chế độ dành riêng cho Phụ nữ:

– Điểm mới của nghị định 28/2020 đã quy định cho lao động nữ nghỉ 30 mỗi ngày trong thời gian “đèn đỏ”;
– Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng với người sử dụng lao động nếu buộc nhân viên mang thai từ tháng thứ 6 hay đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm việc ban đêm và đi công tác xa; không chuyển công việc nặng nhọc hoặc giảm giờ làm người mang thai từ tháng thứ 7; không cho nghỉ 60 phút mỗi ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi;
– Khung phạt trên cũng áp dụng với hành vi không bảo đảm việc làm cũ khi lao động trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản, trừ trường hợp việc làm cũ không còn; sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi; kỷ luật với lao động đang mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Thứ ba, về các hành vi trong quan hệ lao động
Theo đó, quy định phạt tiền từ 05 đến 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử về độ tuổi trong quản lý lao động. Như vậy, căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính và quy định nêu trên, khi có hành vi vi phạm:
– Phạt 7,5 triệu đồng với người sử dụng lao động nếu không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
– Nếu có tình tiết tăng nặng thì cao hơn 7,5 triệu đồng nhưng tối đa là 10 triệu đồng, nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt cụ thể thấp hơn 7,5 triệu đồng nhưng thấp nhất là 05 triệu đồng.

Nghị định 28/2020 không tăng mức phạt với các lỗi trên so với quy định hiện hành song lại quy định ngoài phạt tiền, người sử dụng lao động còn phải trả tiền lương làm thêm giờ bù vào thời gian đó và buộc nhận người lao động trở lại làm việc khi tuỳ tiện sa thải.

Lần đầu tiên, cơ quan có thẩm quyền sẽ phạt 10-15 triệu đồng nếu người sử dụng lao động áp dụng nhiều hình thức kỷ luật lao động với một hành vi vi phạm kỷ luật lao động. Mức phạt từ 500.000 đến một triệu đồng áp dụng với người sử dụng lao động hằng năm không niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15/4/2020.

OTHER NEWS