Thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác

21 Tháng Mười Một 2019

Chính phủ vừa ban hành Nghị Định 79/2019 NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động của tổ hợp tác và thay thế  thay thế Nghị định 151/2007/NĐ-CP. Nghị định này được áp dụng với các tổ hợp tác, thành viên tổ hợp tác, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các cơ quan tổ chức, cá nhân có liên quan.

“Tổ hợp tác là tổ chức không có tư cách pháp nhân, được hình thành trên cơ sở hợp đồng hợp tác, gồm từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên tự nguyện thành lập, cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện những công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm”.

Tổ hợp tác tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Trên cơ sở hợp đồng hợp tác; Cá nhân, pháp nhân tự nguyện thành lập, gia nhập và rút khỏi tổ hợp tác; Thành viên có quyền dân chủ, bình đẳng trong việc quyết định tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Quyết định theo đa số trừ trường hợp hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật có liên quan quy định khác; Cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Như vậy khi các thành viên thành lập tổ hợp tác khi hợp tác cùng nhau thì phải cần có Hợp đồng và 100% thành viên ký, nội dung của Hợp đồng phải đảm bảo được các quy định của pháp luật và ghi rõ các nội dung theo đúng định nghĩa về tổ hợp tác. Các thành viên có thể góp vốn bằng công sức hoặc tài sản và thời gian hợp tác được các thành viên tự thoả thuận và được ghi trong hợp đồng hợp tác.

Thành viên có thể Rút khỏi tổ hợp tác khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác hoặc theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.

Tổ hợp tác có thể bổ sung các thành viên khi xem xét tâm tư, nguyện vọng gia nhập và tổ trưởng hợp tác (hoặc người được các thành viên tổ hợp tác ủy quyền) tổ chức lấy ý kiến thành viên tổ hợp tác, trực tiếp hoặc gián tiếp, về vấn đề bổ sung thành viên tổ hợp tác. Cá nhân, pháp nhân được công nhận tư cách thành viên tổ hợp tác khi được hơn năm mươi phần trăm (50%) tổng số thành viên tổ hợp tác đồng ý bổ sung và ghi tên vào hợp đồng hợp tác.

Tổ hợp tác có quyền: Tên riêng; Tự do hoạt động, kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm; được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; Hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để mở rộng hoạt động, sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật; Thực hiện mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật có liên quan; Xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự theo quy định của Nghị định, Điều 508 của Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan; Được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước như các hợp tác xã; Quyền khác theo quy định của hợp đồng hợp tác, Bộ luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.

Tổ hợp tác chấm dứt hoạt động khi: Hết thời hạn; Mục đích hợp tác đã đạt được; Không duy trì số lượng thành viên tối thiểu theo quy định; Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo quy định của hợp đồng hợp tác và pháp luật có liên quan;

Sau khi chấm dứt hoạt động thì tải sản chung của các thành viên phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính hoặc vụ tài sản khác phát sinh trong quá trình hoạt động của tổ hợp tác bằng tài sản chung của các thành viên tổ hợp tác. Trường hợp tài sản chung không đủ thì các thành viên phải thanh toán bằng các tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình.

OTHER NEWS