CÁC QUY ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN ẢO, TIỀN ĐIỆN TỬ, BLOCKCHAIN TẠI VIỆT NAM

1 Tháng Bảy 2022

I. QUY ĐỊNH VỀ CẤM PHÁT HÀNH, CUNG ỨNG, SỬ DỤNG CÁC LOẠI TIỀN ẢO LÀM PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN.

Ngày 01/07/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2016/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt (“Nghị định số 80”). Liên quan đến lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định số 80 có những quy định đáng chú ý sau:

1. Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Nghị định số 80 sửa đổi, bổ sung quy định về phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (“phương tiện thanh toán”) như sau:

Phương tiện thanh toán bao gồm Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, theo quy định này, tiền ảo nói chung bitcoin, Litecoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Cấm phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 6 Nghị định 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP) việc phát hành, cung ứng và sử dụng các loại tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm.

 

II. CHẾ TÀI XỬ LÝ VI PHẠM ĐỐI VỚI HÀNH VI PHÁT HÀNH, CUNG ỨNG, SỬ DỤNG TIỀN ẢO LÀM PHƯƠNG TIỆN THANH TOÁN.

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định 02 (hai) loại chế tài xử lý vi phạm đối với hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán, bao gồm:

1. Chế tài về xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 31 tháng 12 năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2021/NĐ-CP về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (“Nghị định số 143”).

Theo đó, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp là các loại tiền ảo mà chưa đến mức truy cứu hình sự sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

Nghị định số 143/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

2. Chế tài về hình sự.

Bên cạnh chế tài về xử phạt vi phạm hành chính, việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 có hiệu lực ngày 01/01/2018.

Theo quy định tại Điều 1.48 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017, thì hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả; gây thiệt hại cho người khác từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

 

III. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ ĐỂ QUẢN LÝ, XỬ LÝ ĐỐI VỚI CÁC LOẠI TÀI SẢN ẢO, TIỀN ĐIỆN TỬ, TIỀN ẢO

Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (“Quyết định số 1255”).

Trong Quyết định số 1255, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…). Trên cơ sở đó, các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Quyết định số 1255/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/8/2017.

 

IV. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CHỈ ĐẠO VỀ VIỆC NGHIÊN CỨU, XÂY DỰNG VÀ THÍ ĐIỂM SỬ DỤNG TIỀN ẢO DỰA TRÊN CÔNG NGHỆ CHUỖI KHỐI (BLOCKCHAIN)

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg về Phê duyệt chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có nội dung nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Quyết định số 942/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2021.

Hiện nay, Việt Nam chưa có khung pháp lý chính thức về tiền ảo và cũng chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo nào là phương thức thanh toán chính thức. Do đó, khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo cần hết sức thận trọng vì sẽ phải chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động tiền ảo không được pháp luật bảo hộ.

Liên hệ:

Email: thangnt@dtlaw.vn

Điện thoại: +84 985 661 168

 

OTHER NEWS