TĂNG MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀM VIỆC THEO HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TỪ 01/07/2022.

21 Tháng Sáu 2022

Ngày 12/06/2022 Chính phủ ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định về mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động (“Nghị định 38”). Theo đó, Nghị định 38 bao gồm những điểm mới đáng chú ý như sau:

1. Tăng 6% mức lương tối thiểu tháng đối với người lao động (NLĐ) làm việc cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) theo vùng.

Cụ thể như sau:

  Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP
Vùng I 4.420.000 đồng/tháng 4.680.000 đồng/tháng
Vùng II 3.920.000 đồng/tháng 4.160.000 đồng/tháng
Vùng III 3.430.000 đồng/tháng 3.640.000 đồng/tháng
Vùng IV 3.070.000 đồng/tháng 3.250.000 đồng/tháng

2. Lần đầu tiên quy định về mức lương tối thiểu giờ.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động, hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Mức lương tối thiểu giờ được áp dụng từ ngày 1/7/2022 như sau:

  • Vùng I là 22.500 đồng/giờ;
  • Vùng II là 20.000 đồng/giờ;
  • Vùng III là 17.500 đồng/giờ;
  • Vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

3. Không còn quy định về trả lương cho người lao động qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn 7% mức lương tối thiểu vùng

Trước đó, theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.

Tuy nhiên, Nghị định 38 không còn quy định nêu trên. Thay vào đó, Nghị định 38 chỉ quy định chung mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp khi trả lương phải bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cần đảm bảo mức lương đóng BHXH tối thiểu theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH:

Mặc dù Nghị định 38 không còn quy định về việc doanh nghiệp phải trả mức lương cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Tuy nhiên, Mục 2.6 Quyết định 595/QĐ-BHXH (đang có hiệu lực áp dụng) quy định về tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH như sau:

  • Người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường: Tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
  • Người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi lao động qua đào tạo, học nghề: Tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
  • Người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Tiền lương tháng tối thiểu đóng BHXH cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện bình thường.
  • Người lao động làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương trong điều kiện bình thường.

Do đó, sau khi Nghị định 38/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành (ngày 1/7/2022), trước khi có các văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thực hiện Nghị định 38/2022/NĐ-CP, các doanh nghiệp vẫn phải đảm bảo tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu cho người lao động phù hợp với quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH nêu trên để đảm bảo tuân thủ pháp luật.

4. Điều chỉnh lại danh mục địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng

Nghị định 38 ban hành Phụ lục kèm theo quy định về thay đổi danh mục địa bàn các vùng như sau:

  • Điều chỉnh địa bàn từ Vùng II lên Vùng I đối với: Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, huyện Xuân Lộc thuộc tỉnh Đồng Nai.
  • Điều chỉnh địa bàn từ Vùng III lên Vùng II đối với: các thị xã Quảng Yên, Đông Triều thuộc tỉnh Quảng Ninh; thành phố Hoà Bình và huyện Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình; thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; thị xã Hòa Thành thuộc tỉnh Tây Ninh; thành phố Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu; thành phố Vĩnh Long, thị xã Bình Minh thuộc tỉnh Vĩnh Long.
  • Điều chỉnh địa bàn từ Vùng VI lên Vùng III đối với: các huyện Vân Đồn, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh; các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương, Nam Đàn, Nghĩa Đàn và các thị xã Thái Hòa, Hoàng Mai thuộc tỉnh Nghệ An; huyện Hòa Bình thuộc tỉnh Bạc Liêu; huyện Mang Thít thuộc tỉnh Vĩnh Long.

5. Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tăng mức lương tối thiểu vùng

  • Điều chỉnh tăng mức tiền lương đóng BHXH cho người lao động để đảm bảo phù hợp với mức lương tối thiểu vùng mới.
  • Tổ chức rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp;
  • Không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
  • Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động so với quy định tại Nghị định này thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đối với Nghĩa vụ này, ngày 17/06/2022, Bộ LĐTB-XH & Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Công văn 2086/BLĐTBXH-TLĐLĐVN về việc chỉ đạo triển khai Nghị định số 38/2022/NĐ-CP về lương tối thiểu (Công văn 2086), theo đó, nêu rõ các nội dung đã thực hiện trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.

Nghị định 38 này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2022.

OTHER NEWS