MỘT SỐ ĐIỂM MỚI TẠI LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ ĐƯỢC THÔNG QUA NGÀY 16/6/2022

8 Tháng Tám 2022

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (“Luật SHTT sửa đổi 2022”). Theo đó, Luật SHTT sửa đổi 2022 có một số điểm mới nổi bật như sau:

1. Sửa đổi quy định về đồng tác giả

Theo Luật SHTT sửa đổi 2022, trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả.

Theo quy định hiện hành tại Nghị định 22/2018/NĐ-CP, đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

2. Bổ sung quy định về quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả

–  Về quyền nhân thân, Luật SHTT sửa đổi 2022 cho phép tác giả chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản. Đồng thời, Luật SHTT sửa đổi 2022 cũng bổ sung quy định về việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.

–  Về quyền tài sản, chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm người khác thực hiện hai hành vi sau:

–   Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua tru

ng gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xoá bỏ, không có khả năng phục hồi lại;

–   Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối

3. Bổ sung hai trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung hai trường hợp sau:

–   Trường hợp tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại không xâm phạm bản quyền (không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép);

–   Trường hợp sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong các bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy.

Ngoài ra, hành vi ghi âm, ghi hình trực tiếp một phần cuộc biểu diễn để giảng dạy không nhằm mục đích thương mại hoặc để đưa tin thời sự được quy định là một trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan.

4. Bổ sung hình thức đăng ký trực tuyến quyền tác giả, quyền liên quan

Theo quy định mới, có 03 cách thức để nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan gồm: cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

5. Bổ sung dấu hiệu âm thanh là đối tượng được bảo hộ nhãn hiệu

Luật SHTT sửa đổi 2022 bổ sung nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa. Bên cạnh đó, trong đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh, mẫu nhãn hiệu là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.

6. Sửa đổi, bổ sung một số trường hợp mà nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt

–   Giảm thời gian sau khi một nhãn hiệu đã hết hiệu lực vẫn được đưa ra làm đối chứng để từ chối một đơn đăng ký nhãn hiệu từ 05 năm xuống 03 năm;

–   Bổ sung quy định về du hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã được bảo hộ tại Việt Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng bị coi là dấu hiệu không có khả năng phân biệt;

–   Bổ sung quy định về dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn bị coi là dấu hiệu không có khả năng phân biệt.

7. Bổ sung một số căn cứ chấm dứt hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ. 

–   Ba trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ được bổ sung bao gồm:

+   Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;

+   Nhãn hiệu được bảo hộ đã trở thành tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;

+   Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.

–   Ba trường hợp bổ sung đối với văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ hiệu lực bao gồm:

+  Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;

+  Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế;

+  Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.

Luật SHTT sửa đổi 2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023, ngoại trừ: (i) Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2022 và (ii) Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14/01/2024

Liên hệ:

Email: thangnt@dtlaw.vn

Điện thoại: +84 985 661 168

 

OTHER NEWS