Quy định mới về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

22 Tháng Sáu 2020

Ngày 27/5/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2020/NĐ-CP (“Nghị định số 58”) quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (“BHXH”) vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động (“TNLĐ”), bệnh nghề nghiệp (“BNN”).

Nghị định số 58 được ban hành đã sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 143/2008/NĐ-CP về quy định chi tiết luật bảo hiểm xã hội và luật an toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam, và thay thế Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

1.Đối tượng áp dụng

  • Người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động;
  • Các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN trong BHXH bắt buộc.

2. Mức đóng BHXH

Theo Nghị định số 58, mức đóng BHXH bắt buộc vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN được quy định đối với từng nhóm người lao động, cụ thể:

  • Nhóm người lao động tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 2 Luật BHXH, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình, bao gồm:

–        Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

–        Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

–        Cán bộ, công chức, viên chức;

–        Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

–        Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

–        Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

–        Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

  • Sẽ đóng theo một trong các mức sau:

–        Mức đóng bình thường bằng 0,5% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời được áp dụng đối với người lao động là cán bộ, công chức, viên chức và người thuộc lực lượng vũ trang thuộc các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách nhà nước.

–        Mức đóng bằng 0,3% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, Nghị định quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục và thời gian thực hiện mức đóng thấp hơn mức đóng bình thường vào quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN và trách nhiệm thi hành.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/7/2020.

 

 

 

OTHER NEWS