Chuyển nhượng cổ phần, vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp

28 Tháng Sáu 2023

1. Trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần, vốn góp nhà nước tại doanh nghiệp

1.1. Nguyên tắc chuyển nhượng vốn nhà nước

–    Đúng tiêu chí phân loại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

–    Bảo đảm theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch, thu hồi vốn đầu tư ra ngoài của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ ở mức cao nhất, hạn chế tối đa tổn thất đầu tư trong chuyển nhượng vốn.

1.2. Quy trình chuyển nhượng vốn

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển nhượng trong từng giai đoạn, doanh nghiệp có vốn chuyển nhượng thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a.  Xác định giá khởi điểm

Cơ quan đại diện chủ sở hữu thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá để xác định, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về giá và thẩm định giá.

b.  Cơ quan đại diện chủ sở hữu thuê tổ chức đấu giá, thuê tổ chức tư vấn khác có hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến chuyển nhượng vốn để tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn của nhà nước

c.  Phương thức chuyển nhượng vốn

–    Đối với công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán: Thực hiện theo phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán.

–    Đối với công ty cổ phần chưa niêm yết (hoặc đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán): thực hiện theo thứ tự phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận trực tiếp.

–    Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên:

Cơ quan đại diện chủ sở hữu yêu cầu Công ty mua lại phần vốn góp;

Trường hợp sau khi yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp nhà nước trong công ty nhưng công ty không mua, chuyển nhượng cho các thành viên khác trong công ty theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty trên trên cơ sở kết quả thẩm định giá.

Sau khi các thành viên trong công ty không mua hoặc mua không hết thì cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện theo các phương thức chuyển nhượng như quy định đối với chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán.

d.  Lập phương án chuyển nhượng vốn

e.  Tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước

f.   Báo cáo sau chuyển nhượng đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên

Trong thời hạn 15 ngày, sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng, CQĐDCSH gửi báo cáo tới Bộ Tài chính.

g.  Báo cáo định kỳ thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước

Trong thời gian tối đa 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc mỗi quý, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính kết quả chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo danh mục vốn chuyển nhượng đã được phê duyệt.

2.   Vướng mắc, bất cập trong thoái vốn nhà nước

–     Mâu thuẫn giữa Điều lệ doanh nghiệp và quy định về đấu giá:

Tại một số doanh nghiệp (như doanh nghiệp có vốn nước ngoài), trong điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận cổ đông có các quy định về hạn chế chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp như một điều kiện đối với nhà đầu tư nhận chuyển nhượng. Ví dụ như quy định việc chuyển nhượng vốn của cổ đông/thành viên phải được các cổ đông/thành viên khác chấp thuận.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật về đấu giá, ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá.

–    Mâu thuẫn giữa Luật doanh nghiệp và quy định về thoái vốn nhà nước tại Công ty TNHH hai thành viên trở lên:

Theo quy định pháp luật, trước khi chuyển nhượng phần vốn nhà nước cho các thành viên khác trông Công ty, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước phải yêu cầu Công ty mua lại phần vốn góp.

Trong khi đó, theo quy định tại Luật doanh nghiệp, việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải ưu tiên chuyển nhượng cho thành viên của Công ty trước và việc yêu cầu công ty mua lại cũng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định khi thành viên bỏ phiếu không tán thành Nghị quyết Hội đồng thành viên.

Như vậy, có thể thấy, việc thoái vốn nhà nước hiện nay tùy từng trường hợp, thời điểm cụ thể sẽ có những vấn đề hết sức phức tạp. Không chỉ vậy, việc thoái vốn còn cần đảm bảo được cả hai tiêu chí là vừa tuân thủ quy định pháp luật, vừa phải đảm bảo đạt được mục tiêu thu hồi vốn nhà nước ở mức cao nhất, tránh thất thoát, tổn thất trong chuyển nhượng vốn.

DTLaw là đơn vị đã có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn liên quan đến vốn nhà nước, doanh nghiệp nhà nước. Trường hợp, Quý Khách hàng có nhu cầu, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn, rà soát, đánh giá cụ thể.

Liên hệ:

Email: thangnt@dtlaw.vn

Điện thoại: +84 985 661 168

 

OTHER NEWS